Ngày 10, Tháng 12, Năm 2016
Khúc Mắc Dân Tộc
Bạn có bao giờ bị lâm vào một tình huống mà không một ̣điều gì có thể an ủi mình được? Trong tình trạng bất ổn này, dù một lời hay ý tốt của một người bạn thân thích hoặc của bất cứ người thân nào của chúng ta cũng dường như mang một giọng điệu gì đó, có vẻ châm biếm, chỉ trích và trong lúc ấy, ta không thể nào tiếp thu bất cứ một ý kiến mới mẽ nào và cũng không thể ‘nhìn nhận’ hoặc nghe thấy sự việc một cách chính chắn; và rồi, sau khi hạ hồi phân giải, ta mới nhận biết rằng đó là một sự ‘hiểu lầm’.
Nếu sự việc này xảy ra một vài lần thì ta có thể cho đó là một sự tình cờ, nhưng nếu chúng ta cứ liên tục bị vướng mắc vào những xung đột như thế với nhiều người mình tiếp cận, thân thuộc lẫn lạ mặt, thì ấy là lúc chúng ta cần đặt vài nghi vấn cho chính mình.
Những Nghi Vấn Cần Suy Gẫm
Khi chúng ta liên tục mang những tư tưởng ‘tiêu cực’, ‘vạch lá tìm sâu’ trong nhiều bối cảnh, hãy tự hỏi xem lý do gì khiến chúng ta lại trở nên quá nhạy cảm và tiêu cực? Sau đây là một vài hiện tình mà một người có thể bị rơi vào, trong một bối cảnh khá rối ren ấy:
(1) Tại sao lúc nào ta cũng có cảm tưởng như người khác đang lên án mình? Tại sao ta không chờ đợi để tìm hiểu mà lại khẳng định trong một phản ứng chớp nhoáng, và lại luôn có một xu hướng thông đồng với tiếng nói ‘khiển trách’ hoặc ‘tiêu cực’ nhưng không thể nghe thấy được tiếng nói ‘tích cực’ của sự việc? Tại sao chúng ta lúc nào cũng muốn ngộ nhận mình đã ‘lầm lỗi’? Tại sao chúng ta cảm thấy mình lúc nào cũng là một ‘can phạm’ trong tình huống ấy? Đây là một tiếng nói của kẻ thù linh hồn ta, chúng kiện cáo ngày và đêm (xem trong Khải Huyền 12:10.)
(2) Tại sao lúc nào ta cũng có một xu hướng ‘vạch lá tìm sâu’ trong tình huống? Thay vì chú tâm đến những điều tích cực, những điều người khác làm đúng thì chúng ta chỉ thấy những hành vi sai lầm, những điều không đúng tiêu chuẩn của ta? Rồi ta lại bắt đầu chỉ trích, bắt bẽ và sửa sai. Tinh thần góp ý để xây dựng sẽ mang một tính cách tích cực, nhưng với một tinh thần ‘vạch lá tìm sâu’, nó sẽ làm ô nhiểm bầu không khí của tình huống và nó cũng làm ô nhiểm những người chúng ta đang tiếp cận. Trong bối cảnh này, kẻ nạn nhân không là người bị chỉ trích nhưng là kẻ đang bắt bẽ người khác. Con người này có một tư duy tiêu cực, thiếu đức tin, nhưng điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là vết chấn thương trong quá khứ của một người khiến họ không thể nhìn thấy sự ‘tích cực’ ngay trong một tình huống có vẻ như ‘tiêu cực’.
(3) Nếu ai đó có một sự phản hồi nghịch với hành động và cách xử thế của chúng ta, thì tại sao điều đó lại làm ta phiền lòng? Vì người đó có quyền tự do chọn lựa cách thể hiện phản ứng của họ và đồng thời sự tình ấy có thể tùy thuộc vào những trải nghiệm của họ trong quá khứ mà chúng ta không có một lý do thích đáng nào để cai quản những phản ứng ấy.
(4) Tại sao chúng ta lại phải cưu mang một nỗi lo sợ trong mối tự ti mặc cảm thấy mình thiếu kém, không ra gì, thay vì dùng cơ hội này để học hỏi, để mở mang tâm trí, chúng ta lại phấn đấu với sự việc và chống nghịch cùng đối tượng trong bối cảnh ấy?
Sự tự ti mặc cảm này thật ra là một biểu hiện của sự kiêu ngạo, vì chúng ta không thể đối diện với một sự thật, ấy là, chúng ta thiếu hiểu biết và cần học hỏi. Điều đó có gì là xấu không bạn? Không, nó là một thời cơ để ta nhờ cậy Chúa Thánh Linh, Ngài đang ở cùng ta và Chúa đang dùng tình huống và ngay cả đối tượng trong bối cảnh để vùa giúp chúng ta. Đúng thế, Chúa đã gởi người đến để trợ giúp, để mở rộng tâm trí ta, nhưng chúng ta không thể trông cậy sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh thông qua một người khác vì sự tự hào của mình. Đúng thế, mối tự ti mặc cảm này là nguồn gốc của sự kiêu ngạo. Nhưng nó xuất phát từ đâu? Có thể nào chăng, cội nguồn của sự việc này ra từ những chấn thương trong cuộc đời ta, trong những bối cảnh thiếu sự bảo bọc của người thân, thiếu sự chăm sóc chỉ dạy của cha mẹ và rồi chính bản thân ta phải tự tranh đấu cho sự sống còn của ‘danh tánh’ mình?
Một Tư Duy Đối Nghịch Cùng Chúa
Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh đề tài này, vì chính nó phô bầy tình trạng xác thực của tâm trí ta. Quan điểm và tầm nhìn của một con người phản ảnh trạng thái của tư duy họ. Trong Rô-ma 8:6-7, Lời Chúa đã cảnh báo ta, “Ðể tâm trí vào những gì thuộc về xác thịt dẫn đến sự chết, nhưng để tâm trí vào những gì thuộc về Ðức Thánh Linh dẫn đến sự sống và bình an, vì tâm trí để vào những gì thuộc về xác thịt là chống nghịch với Ðức Chúa Trời, vì nó không chịu thuận phục dưới luật của Ðức Chúa Trời, đúng ra nó không thể thuận phục.”
Đúng thế, một tâm trí hoặc một tư duy ‘khỏe mạnh’ trong Thánh Linh sẽ có đồng một tâm tình với Đấng Christ. Ta sẽ nhìn thấy ‘Lẽ Thật’ của sự việc qua tầm nhìn trong cõi thuộc linh của Chúa cho tình huống của cõi vật chất mà ta đang đối đầu. Khi chúng ta đang tiếp cận với người khác và họ chia sẻ một quan điểm tốt để cùng nhau hợp tác trong công việc, thì tại sao ta không thể tiếp nhận sáng kiến ấy và xem nó như một khích lệ để cùng nhau xây dựng và đẩy mạnh công việc?
Đây là một tiếng vang dội của một tư duy và tâm trí của một con người đã từng bị tổn thương và bị trói buộc, họ đang bị hụt hẫn và không thể đặt lòng tin cậy vào sự vận hành của Thần Chúa thông qua người khác. Sự nhậy cảm quá độ kia có thể là một dấu hiệu của một gai sóc dầm trong tâm hồn ta. Đây cũng là một thể hiện của sự non nớt, chưa được trưởng thành, nhưng nó xuất phát từ đâu?
Một Nguồn Gốc Của Sự Rối Ren
Trong văn hóa của nhiều dân tộc, nhất là từ phương Đông, con cái trong gia đình không có quyền góp ý kiến vì tất cả quyền quyết định thuộc về cha mẹ. Người Tây Âu, thường khuyến khích con cái họ bầy tỏ ý kiến và giúp chúng làm những quyết định cá nhân trong những năm thời niên thiếu. Dĩ nhiên, có nhiều đường hướng giáo dục và quyết định mà chỉ các bậc phụ huynh mới có sự khôn ngoan chính chắn để hướng dẫn con cái mình.
Tuy thế, phần lớn cách giáo dục của người phương Tây có một xu hướng để mở mang trí tuệ cho con mình bằng cách cho chúng quyền tự do quyết định. Nói thế không có nghĩa cách giáo dục của họ là hoàn hảo, vì trong những năm gần đây, chúng ta nhìn thấy sự đỗ vỡ của nền tảng gia đình trong xã hội và điều này đã tạo nên những thế hệ ‘không cha, không mẹ’. Thế hệ trẻ này lâm vào một tình trạng bất an trong mọi lĩnh vực. Một thế hệ ‘không cha, không mẹ’ là một thế hệ mang đầy những tỳ vết trong thuộc linh lẫn thuộc thể và có tầm ảnh hưởng lớn trong tâm hồn và tư duy.
Nó được thể hiện qua sự ‘thiếu trưởng thành’ và vì thế, chúng khó có thể làm những quyết định chính chắn cho cuộc sống và tương lai. Điều này cũng có thể gây nên một tinh thần ‘tự lập’ một cách mất thăng bằng, không nhận biết giá trị của sự ‘Giao Ước’, của sự hiệp nhất và sự đoàn kết trong sức mạnh tập thể. Chúng sẽ biểu hiện trong sự ‘tan vỡ’ của các cơ cấu trong xã hội trên nhiều tầng lớp.
Các Nghạch Của Chù Kỳ Tối Tăm
Sự “hiểu lầm” tôi nhắc đến trong đoạn mở đầu biểu hiện cho những lối quanh co trong tâm trí và tư duy ta; chúng là những tỳ vết chấn thương thông qua những trải nghiệm đau đớn trong cuộc đời, và rồi, chúng trở thành những vết ‘nghạch’ chấn sâu vào tâm trí và đó là những đường lối mà chúng ta ‘tự nhiên’ noi theo khi đang trải nghiệm một sự việc gì đó tương tựa trong quá khứ. Sự trải nghiệm này cũng có thể đã xảy ra từ các đời trước và tỳ vết của sự việc cũng có thể chuyển tải từ đời cha ông của chúng ta; đây là một tác động thuộc linh vì thế nó có tính cách xuyên thế hệ.
Cái nỗi ‘đau thương’ cũ kỷ kia đẩy ta vào ‘nghạch’ khiến chúng ta sa vào cái chu kỳ ấy, và rồi ta sẽ có những phản ứng bất ngờ, ngay cả chính cá nhân ta cũng không thể kìm hãm được. Sau khi chúng ta lâm vào cái vòng lẫn quẫn ấy rồi ta mới ngộ nhận được tình thế và lúc đó những phản ứng quá lố của chúng ta sẽ gây nên những hối tiếc, khiến ta cảm thấy mình là một người tội lỗi, lúc ấy kẻ thù của linh hồn sẽ xông vào để tấn công vào điểm yếu của chúng ta một lần nữa, khiến ta rơi vào một tình huống vô vọng, tan vỡ, không lối thoát.
Nó là một chu kỳ của sự trói buộc thuộc linh do các ác linh đã lẽn vào thông qua những cánh cửa đã hé mở lúc chúng ta trải nghiệm nhiều tổn thương trong đời. Những tì vết thuộc linh là một hậu quả của những sự chấn thương trong tâm hồn mà chỉ có Chúa Thánh Linh là Thần Lẽ Thật mới có thể tháo gỡ và chữa lành để giải phóng chúng ta!
Cội Nguồn Của Tình Huống
Khi nhắc đến tình trạng ‘không cha, không mẹ’, hay là nói một cách khác, tình thần ‘Con Côi, Con Không Cha’, ta không chỉ giới hạn nó với thế hệ trẻ của thời đại, nhưng cái tinh thần ‘Con Côi’ này có thể bao gồm tất cả chúng ta, nó có thể bao gồm nhiều thế hệ, và ngay cả một dân tộc.
Trong suốt Thánh Kinh, ta đã chứng kiến nhiều tình huống bầy tỏ tinh thần ‘Con Côi’ này. Hãy xem trong Xuất Ê-díp-tô Ký, Con Dân Chúa sau khi từng trải sự giải cứu siêu nhiên thoát ra khỏi Ê-díp-tô, họ vẫn chưa được giải phóng trong tâm trí mình. Họ phàn nàn, và muốn quay về làm nô lệ cho Vua Pha-ra-ôn, họ không thể nhìn nhận cánh tay giải cứu của Đức Giê-hô-va vạn quân. Chúng ta hãy nghĩ xem, sau khi thoát khỏi những dịch lệ của Ê-díp-tô, sau khi vượt qua biển đỏ, họ lại quên bẵng đi những gì Chúa mới vừa làm, vì mắt lòng họ vẫn còn vướng mắc tại Ai-cập, vì tư duy của họ vẫn còn bị các cơ cấu rối ren khống chế, như những phu tù, như một kẻ nô lệ.
Thật là một điều quá sức tưởng tượng cho chúng ta, nhưng thật ra, chúng ta cũng đã từng xử sự như thế trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Vì những tỳ vết thuộc linh ấy đã hé mở những cánh cửa tăm tối và chúng ta không thể tự tháo gỡ qua những nổ lực của con người, mặc dù chúng ta cần nhờ cậy Chúa và cũng cần có những kỷ luật cho bản thân trong đời sống tin kính hằng ngày. Những cánh cửa tối tăm này đã được hé mở và kẻ thù của linh hồn ta đã lẽn vào để ‘đóng trại’ trong vườn hoa của ta. Đây là một thời điểm để ta bứng nhỗ tận gốc những giềng mối rối ren ấy và phá vỡ những mạng lưới tối tăm này!
Chúa Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, Ngài sẽ phô bầy sự thật về những thông đồng chúng ta đã vô tình cam kết với thế giới tối tăm kia. Hãy nhớ rằng, công cuộc cứu chuộc, giải phóng đã được hoàn tất tại Gô-gô-ta (Giăng 19:30), nhưng vì chúng ta là con người xác thịt, sống trong giới hạn của không gian và thời gian trên đất, mỗi một người trong chúng ta phải trãi qua một tiến trình thuộc linh để đổi mới tâm trí và khi ta nhờ cậy Chúa thì Ngài sẽ vùa giúp để chúng ta tăng trưởng trong tầm thước vóc dạc hầu thoát khỏi những chu kỳ tội lỗi trong quá khứ của dòng dõi.
Ai là Cha Ta?
Bây giờ, chúng ta hãy chú tâm đến một đề tài mà đối với dân Việt và cũng có thể nói rằng đối với nhiều con Cái Chúa giữa vòng chúng ta chỉ là một huyền thoại, không đáng để tâm đến làm gì. Nhưng câu nghi vấn chính chắn để ta suy gẫm ở đây là, “Nguồn gốc nó có vẻ như là một huyền thoại, nhưng hãy nhìn xem ảnh hưởng của nó trên khắp các lãnh thổ của Việt Nam?” Ấy là một huyền thoại về “Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ”, một huyền thoại mà dân Việt qua mấy ngàn năm đã tự hào công bố trong những lễ hội của truyền thống văn hoá rằng chúng ta là ‘Con Rồng Cháu Tiên’.
Ồ, chuyện này chỉ là một huyền thoại và không có ảnh hưởng gì đến ta… Thật vậy à, bạn? Hãy suy xét kỹ lại xem. Đây là cội nguồn của sự thờ phượng tổ tiên, thờ cúng ông bà, nó đã đâm chồi, mọc rễ hằng mấy ngàn năm nay trong sự thờ thần tượng thông qua sự thờ phượng tổ tiên, tiềm tàng trong dòng máu của dân tộc và chính nó đã để lại những tì vết thuộc linh nguy hại trên toàn lãnh thổ và mùa màng của đất nước ta.
Tôi không có ý đã phá việc hiếu kính các bậc tiền bối vì Chúa đã truyền dạy cho ta trong Phục Truyền 5:16, “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” Sự hiếu kính cha mẹ và thờ phượng tổ tiên là hai điều hoàn toàn khác biệt. Kẻ thù linh hồn ta đã lợi dụng thời cơ để bóp méo sự thật và khiến cho ta không thấy rỏ sự việc. Một khi ta ‘tôn cao’ bất cứ một ai hoặc một điều gì đó và đặt để nó trong địa vị tiên quyết, trên một cái ‘ngai’, chính nó sẽ trở thành một ‘thần tượng’ vì nó đang tiếp thu sự ‘ngưỡng mộ quá độ’ hoặc sự ‘tôn thờ’ của chúng ta và vì lòng trông cậy của ta đặc để vào thần tượng ấy.
Lời Chúa phán dạy một cách rõ ràng về sự thờ thần tượng trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-6, “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.”
Thờ Phượng Tổ Tiên, Một Hình Thức Thờ Thần Tượng
Tôi chưa hề quỳ lạy trước một bàn thờ tổ tiên, nhưng vì mang trong người dòng máu Việt, cái cơ cấu thờ thần tượng ấy và sự vận hành của nó nằm trong huyết mạnh và là một ảnh hưởng lớn lao trong tư duy và tâm hồn tôi. Làm thế nào để chúng ta xác chứng chuyện này? Hãy nhìn xem sự rối ren của các cơ cấu trong mối liên hệ cá nhân và tư duy ta, trong nền tảng và guồng máy của Hội Thánh, trong mọi tầng lớp của xã hội và trong chính quyền của đất nước. Đây là một sự trói buộc mà chỉ có quyền phép giải cứu của Chúa Thánh Linh mới có thể giải phóng chúng ta ra khỏi sự khống chế này. Vận hành của Con Rồng đã đâm chồi, mọc rễ trong các cơ cấu và trong tư duy của dân tộc, nhưng hãy nhớ rằng quyền phép của Huyết Chúa Giê-su sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi cái ách nô lệ ấy!
Vì sự thờ phượng tổ tiên, “Con Rồng”, chúng ta đã tôn cao cái cơ cấu này lên trong địa vị ‘Làm Cha’ vì chúng ta đã công bố hằng mấy ngàn năm mình là một dân tộc thuộc ‘Con Rồng Cháu Tiên’. Tôi biết rằng có rất nhiều Con Cái Chúa đã ăn năn và cầu thay cho dân tộc về phương diện này. Tuy nhiên, đây là thời điểm để chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta mặc khải và những chiến lược cụ thể để bứng nhổ tận gốc hầu khép kín cái cánh cửa tối tăm cổ thụ này.
Bạn ơi, chiến trận thuộc linh cho sự sống còn của dân tộc và đất nước ta xuất phát từ một chiến trận từ ngàn xưa. Ấy là, cuộc tranh chiến của ‘sự thờ phượng’. Ấy là, cuộc tranh chiến giữa ‘các bàn thờ’. Ai sẽ trấn giữ và thống trị cai ‘ngai’ của lãnh thổ? Kẻ thù của linh hồn ta, hay Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, là Đấng Sinh Thành ra ta, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An? Ai sẽ trấn giữ cái ‘ngai’ ấy để tiếp thu sự thờ phượng của dân tộc Việt Nam?
Một dân tộc đã từng ngộ nhận là ‘Con Rồng, Cháu Tiên’, đã tự xưng Con Rồng là cha, thì… chúng ta quả thật là một ‘Đứa Con Côi’, một ‘Đứa Con Không Cha’. Hãy nhìn xem sự rối ren của tư duy ta, của các tầng lớp xã hội, của các cơ cấu chính quyền và của đất nước?
Sự Giải Phóng Qua Giao Ước Mới
Giê-rê-mi 31:31 “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa.”
Đức Chúa Trời đã dự bị một chương trình cứu chuộc thật kỳ diệu trong một Giao Ước Mới, qua một chiến lược mà không ai có thể ngờ được và tại Gô-gô-tha, Con Một của Ngài đã hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho nhân loại.
Hê-bê-rơ 9:12-15 “Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời… huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào! Nhơn đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình.”
Đây là thời điểm của sự giải phóng cho dân tộc và đất nước ta. Cầu xin Chúa Thánh Linh khai sáng tư duy ta. Hãy nhờ cậy Chúa trong tiến trình đỗi mới tâm trí hằng ngày qua sự gội rửa của Lời Ngài và do quyền phép giải cứu của Đức Thánh Linh. Xin Chúa giải phóng chúng ta để ta có thể đi vào mối liên hệ mật thiết với Ngài là Cha Yêu Thương, Đấng Hằng Chăm Sóc ta luôn!
Xoay Lòng Con Trở Về Cùng Cha Thiên Thượng
Xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta những mặc khải tươi mới trong địa vị làm Con Đức Chúa Trời. Hãy xem Lời Chúa trong Ma-la-chi đoạn 4:
“Vì nầy, ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm sự gian ác sẽ như rơm cỏ; Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ngày ấy đến, thiêu đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành.
“Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy nhót như bò tơ của chuồng.
“Các ngươi sẽ giày đạp những kẻ ác, vì trong ngày ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chơn các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.
“Các ngươi khá nhớ lại luật pháp của đầy tớ ta là Môi-se, mà ta đã truyền cho nó tại Hô-rép, tức là những lề luật và mạng lịnh cho cả Y-sơ-ra-ên.
“Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến.
“Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.”
Chúa ơi, xin Ngài xoay hướng lòng chúng con để chúng con trở về với Cội Nguồn cùng Cha Thiên Thượng!
Chúng ta sẽ tiếp tục nhờ cậy sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh để suy gẫm về sự vận hành và tác động của cơ cấu Con Rồng trong huyết mạch của dân tộc. Chúa đang xúc tiến một công cuộc để giải phóng chúng ta.
Shalom!
Trả lời